Menu

extra_toc

Tháng 10 nóng hầm hập của Sài Gòn, em có mặt tại IDC với một tâm trạng nửa hồi hộp, nửa hoài nghi. Đây cũng là lúc em mới về Việt Nam sau thời gian tham gia cuộc thi khởi nghiệp ở Canada. Qua cuộc thi, Em cảm thấy bản thân dùng nhiều thời gian và tập trung hoàn toàn cho việc học thay vì phải làm thêm hay chạy job kiếm thu nhập vì may mắn được sinh ra trong gia đình có điều kiện nên có thể có một vài thành tựu nhỏ trong học thuật nhưng nếu nói những kỹ năng thực tế thì em hoàn toàn không bằng các bạn đã “va vào xã hội”.

Em lựa chọn IDC theo lời giới thiệu và rủ rê của một người bạn nhưng bỗng nhiên bạn “quay xe phút chót” và đăng ký chỗ khác. Em hoang mang đủ các kiểu và cũng lo lắng vấn đề phải đi học off khi đăng ký khóa Full-stack marketing ở IDC. Nhưng cuối cùng vẫn quyết định gửi gắm hi vọng nơi đây. 

Khi đọc giáo trình, môn đầu tiên là Content Marketing và với một vài kinh nghiệm làm dự án sinh viên, club,... Em đã nghĩ "Content Marketing? Viết bài chứ có gì đâu!" - đó là suy nghĩ ngây thơ của em trước khi bước vào lớp học đầu tiên. Vài bài blog cá nhân, và vài “trải nghiệm” nói trên là em nghĩ mình đã biết hết về Content Marketing.

Giờ nhìn lại, em chỉ muốn cười vào cái sự tự tin thái quá ấy.

Storytelling Ly Minh Anh

Ngày đầu tiên đi học: Cú tát của thực tế

"Content không phải là viết cho vui, mà là viết có chiến lược." - câu nói đầu tiên của cô khi bước vào lớp như một cú tát thẳng vào mặt em.

Em còn nhớ rõ những bài tập đầu tiên: sơ lược về Digital marketing, phân tích đối tượng khách hàng. Tưởng đơn giản, em viết ngay: "Phụ nữ 25-40 tuổi, có thu nhập khá, quan tâm đến sức khỏe." Cô nhìn bài em rồi hỏi một câu làm em chết lặng: "Cô ấy tên gì? Sáng dậy làm gì đầu tiên? Đọc báo nào? Lo lắng điều gì nhất? Mơ ước gì? Sợ hãi điều gì?"... hay câu hỏi lúc nào cũng vang vọng trong em “Tại sao Content is king?”

Em chợt nhận ra: em đã viết cho một đám đông vô hồn, không phải con người thật, em viết vì cảm xúc bộc phát của bản thân chứ không phải vì “insight khách hàng”.

Tuần thứ hai: Những đêm thức trắng với insights

Không còn là viết cho "phụ nữ 25-40 tuổi" nữa, giờ đây em viết cho "chị Minh Anh, 32 tuổi, giám đốc marketing, sáng nào cũng check email trước khi đánh răng, đọc Vogue và Business Insider, lo lắng về việc cân bằng sự nghiệp-gia đình, mơ về một kỳ nghỉ dài ở Bali không bị sếp gọi."

Em không ngờ mình có thể dành cả 3 tiếng đồng hồ chỉ để tìm đủ thông tin "phác họa" về một con người. Nhưng khi bắt đầu viết content cho "chị Minh Anh" này, mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng đến kỳ lạ. Em biết chị ấy sẽ click vào headline nào, sẽ dừng lại ở đoạn nào, sẽ skip qua phần nào.

Cảm giác như em đang nhắn tin cho một người bạn thân, chứ không phải "sáng tạo nội dung" nữa.

Giữa khóa học: Em bị "nghiện" data hay gọi là chấp niệm với con số

"Đừng đoán mò. Hãy nhìn vào data." - Bài học tiếp theo khiến em choáng váng.

Trước đây, em viết bài xong là đăng, rồi quên luôn. Giờ thì em học cách đọc data như đọc vị một người tình và lọc data thêm vào bài như một tấm phân loại đậu. Em theo dõi từng click, từng phút đọc, từng tỷ lệ bounce.

"Content hay nhất không phải là content bạn thích nhất, mà là content khách hàng phản ứng tốt nhất."

Em nhớ hôm đó, sau khi phân tích data của một chiến dịch cũ, em phát hiện ra những bài viết em tâm đắc nhất lại có engagement thấp nhất. Ngược lại, những bài "tầm thường" theo cảm nhận của em lại được share nhiều nhất.

Đêm đó, em xóa sạch content plan cũ cho dự án cá nhân và viết lại từ đầu dựa trên data. Đau lòng, nhưng cần thiết.

Tuần áp chót: Khi em thấy Content Marketing ở khắp mọi nơi

Một ngày, em đang đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh, nhìn lên billboard quảng cáo sữa rửa mặt với slogan dài ngoằng. "Cắt bớt 60% copy đi, focus vào insight “không còn lo mụn khi đeo khẩu trang”, thêm CTA rõ ràng..." - em lẩm bẩm một mình.

Người đứng cạnh nhìn em như nhìn người ngoài hành tinh.

Em cười. Đúng là bị "nghề nghiệp hóa" thật rồi.

Em bắt đầu nhìn ra Content marketing ở mọi nơi: từ menu quán cà phê, cách bày biện của siêu thị, đến cả cách anh bán hàng rong kể chuyện về gánh bún riêu của mình.

Thế giới bỗng trở nên thú vị hơn khi nhìn qua lăng kính content.

Ngày cuối khóa: Bài thi và nước mắt

Bài thi cuối khóa: em chọn xây dựng chiến lược Content cho một thương hiệu bánh healthy mới thành lập.

Em nhớ mình đã thức tới 12h đêm hơn trong 2 ngày. Không phải vì khó, mà vì... quá vui. Em đắm chìm trong thế giới Personas, Customer journey, Content mapping, Kênh phân phối... Em thử nghiệm 5 phong cách viết khác nhau cho 5 giai đoạn của hành trình khách hàng.

Khi trình bày, em đã đưa cả cảm xúc vào bài của mình và thấy mình thật sự đã trưởng thành nhiều

Cô và các ban đã vỗ tay (khum biết có phải từ thiện hơm nựa)

Storytelling Ly Minh Anh 1

 

Storytelling Ly Minh Anh 2

Thực tế: Đo lường thành công thực sự

Xuyên suốt khóa học , em đã áp dụng vào các dự án cá nhân và đứng ở với một tâm thế hoàn toàn mới. Em rebranding toàn bộ content strategy của dự án và thật sự mọi thứ dần tích cực lên. Page em quản lý tăng trường vượt bật thậm chí có bài cán mốc 1M views, tăng engagement gần 300%

Nhưng đó không phải là thành công lớn nhất của em.

Thành công thực sự là khi một bạn nhắn tin: "Thực sự cảm ơn bạn. Content bạn viết là niềm vui mỗi ngày của mình, nó rất thú vị."

Áp dụng AIDA vào bài thuyết trình cuộc thi khởi nghiệp - Trải nghiệm 3 phút thay đổi cuộc đời

Khoảnh khắc quyết định với AIDA

Trong thời gian tham gia khóa Content Marketing tại IDC, cơ hội không ngờ đến với em khi được vào bán kết cuộc thi "ENTERPRISE CHALLENGE 2025" - một sân chơi cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo dành cho người trẻ đặc biệt là học sinh sinh viên. Đặc điểm của vòng “gần cuối” này là mỗi thí sinh chỉ có đúng 3 phút để trình bày ý tưởng kinh doanh (pitching) trước ban giám khảo gồm những người có kinh nghiệm và background “siu xịn”.

Em nhớ mình đã hoảng loạn khi biết thời gian giới hạn này. "3 phút để trình bày toàn bộ ý tưởng kinh doanh? Không thể nào!" - em đã nghĩ vậy. Nhưng rồi em chợt nhớ đến lời cô Hường: "AIDA không chỉ áp dụng cho Content viết, mà còn cho mọi hình thức truyền thông, kể cả thuyết trình."

Thế là em quyết định áp dụng mô hình AIDA để cấu trúc bài thuyết trình 3 phút của mình về ứng dụng chăm sóc sức khỏe sinh sản - một lĩnh vực còn nhiều rào cản văn hóa tại Việt Nam.

Quá trình chuẩn bị bài thuyết trình theo AIDA

Attention (30 giây đầu tiên) - Thu hút

Em bắt đầu bài thuyết trình với một sự thật gây sốc và các thống kê đáng chú ý (ví dụ: 90% mọi người cảm thấy ngại khi đi khám phụ khoa..) và 1 chút story telling về các cases cảm động ở Việt Nam

Interest (45 giây tiếp theo) - Gây hứng thú

Em giải thích ngắn gọn cách ứng dụng kết nối người dùng với các chuyên gia y tế, cung cấp kiến thức đáng tin cậy, và tạo cộng đồng hỗ trợ. Em chia sẻ về quá trình nghiên cứu với hơn 200 phụ nữ, nam giới và các chuyên gia y tế trong 3 tháng để hiểu rõ nhu cầu thực sự…

Desire (45 giây tiếp theo): Khơi gợi mong muốn

Đây là phần em áp dụng kỹ thuật storytelling mà cô Hường đã dạy. Em kể câu chuyện ngắn về abc *giấu tên nho* - một người dùng thử nghiệm của ứng dụng, đã phát hiện sớm một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhờ các tính năng theo dõi và được kết nối với bác sĩ chuyên khoa kịp thời.

"Với Memorii, chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mà còn trao quyền cho giới trẻ Việt Nam, giúp họ tự tin hơn trong việc chăm sóc bản thân và đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe sinh sản của mình."

Action (60 giây cuối): Kêu gọi hành động

Em trình bày ngắn gọn mô hình kinh doanh, kế hoạch phát triển 3 năm, và đặc biệt là đề xuất đầu tư rõ ràng. Em kết thúc với một câu hỏi thúc đẩy hành động: "Quý vị có muốn đồng hành cùng chúng tôi để mang đến sự thay đổi tích cực cho sức khỏe sinh sản của hàng triệu giới trẻ Việt Nam, đồng thời xây dựng một doanh nghiệp có tác động xã hội sâu rộng và tiềm năng tăng trưởng bền vững?"

Kết quả không ngờ tới

Khi tiếng chuông báo hết thời gian vang lên, em vẫn nhớ rõ ánh mắt ấn tượng của các giám khảo qua màn hình. Mọi người đều cảm thấy nhiều cảm xúc thông qua bài thuyết trình và bị cuốn vào.

Sau phần hỏi đáp, dự án Memorii của em đã vượt qua các đội thi đến từ các cơ sở để bước vào chặng đua cuối cùng và nhận tấm vé danh giá đại diện Việt Nam đến London, UK

Em tin rằng: Ý tưởng của em giải quyết một vấn đề xã hội quan trọng, nhưng cách em trình bày theo AIDA đã thực sự làm nổi bật giá trị của nó. Em đã chạm đến cả lý trí và cảm xúc của ban giám khảo trong chỉ 3 phút ngắn ngủi.

Storytelling Ly Minh Anh 5

 

Bài học từ trải nghiệm thực tế

Em đã hiểu sâu sắc lời cô Hường dạy: "AIDA không chỉ là một công thức, mà là một hành trình tâm lý." Trong 3 phút ngắn ngủi, em đã đưa ban giám khảo đi qua đủ 4 giai đoạn: từ sự chú ý, đến quan tâm, khao khát và cuối cùng là hành động.

Khi trình bày về một chủ đề nhạy cảm như sức khỏe sinh sản, AIDA giúp em cân bằng giữa tính chuyên môn và sự đồng cảm, giữa dữ liệu thống kê và câu chuyện cá nhân, để tạo ra một bài thuyết trình vừa thuyết phục về mặt kinh doanh, vừa chạm đến trái tim người nghe.

Đến nay, sau khi giành được cơ hội sang Anh Quốc và đang trong quá trình phát triển Memorii, em vẫn luôn áp dụng AIDA trong mọi buổi thuyết trình với đối tác, nhà đầu tư và thậm chí trong cách em truyền thông về sản phẩm tới người dùng tiềm năng.

Như cô Hường đã nói: "Marketing không chỉ là bán sản phẩm, mà là kể một câu chuyện đúng, với đúng người, vào đúng thời điểm." Và AIDA chính là công cụ giúp em kể câu chuyện đó một cách mạnh mẽ và thuyết phục nhất.

Điều em học được quý giá nhất

Em đã đến lớp học Content Marketing để học cách viết. Nhưng em lại học được cách lắng nghe. Lắng nghe data. Lắng nghe khách hàng. Lắng nghe thị trường. Và quan trọng nhất, lắng nghe chính mình - để tìm ra giọng điệu chân thật nhất.

Vì Content hay nhất không phải là Content được viết ra. Đó là Content được sống qua.

Và hôm nay, khi viết những dòng này về hành trình học Content Marketing của mình, em lại một lần nữa nhận ra: sức mạnh thực sự của Content không nằm ở từ ngữ hoa mỹ hay chiến lược bài bản. Sức mạnh thực sự nằm ở sự chân thành.

Cũng như bài viết này - không phải là một "bài tập" hay "assignment" nữa. Đó là một lời cảm ơn, một lời tâm sự, và một lời hứa: Hứa rằng mỗi content em tạo ra sẽ luôn bắt đầu bằng câu hỏi: "Điều này có thực sự giúp ích cho người đọc không?"

Và đó, có lẽ là bài học quý giá nhất từ khóa học content marketing IDC mà em may mắn được tham dự.

P/S: Những người bạn đồng hành - Sắc màu của hành trình

Ngày đầu tiên bước vào lớp, em lo lắng sẽ không hòa nhập được vì lần đầu gặp nhau và em cũng nghe đồn mọi người lớn hơn em nhiều nên em sợ generation gap sẽ là vấn đề. Nhưng thật bất ngờ, em đã gặp được những người bạn tuyệt vời, những người sau này đã trở thành một phần quan trọng trong hành trình học tập của em tại IDC.

Storytelling Ly Minh Anh 6

Những anh chàng đáng mến

Anh Tài - người bán đồ thờ cúng với niềm đam mê marketing kỳ lạ. Ban đầu em còn tưởng anh là "mentor" chứ không phải học viên vì nhìn vibe anh kiểu rất chuyên nghiệp 😁. Anh hay kể về cách anh áp dụng content marketing cho cửa hàng đồ thờ cúng của gia đình: "Trong ngành hàng truyền thống như của mình, Content không chỉ là bán hàng mà còn là giáo dục khách hàng về văn hóa tâm linh." Những lần thảo luận nhóm, anh Tài luôn đưa ra những insight đầy bất ngờ từ thị trường ngách của mình.

Và còn Nam Anh - bạn học cũ thời đại học mà em tình cờ gặp lại ở lớp. Thật trùng hợp khi cả hai đều quyết định "update" kỹ năng content cùng lúc. Nam vẫn lịch sự và dễ tính như xưa, nhưng giờ đã trưởng thành hơn với kinh nghiệm làm việc và “lăn vào xã hội kiếm tiền”. Những lúc em bí ý tưởng, Nam Anh luôn là người đầu tiên giúp em brainstorm: "Đừng nghĩ phức tạp quá, hãy quay lại với insight cơ bản nhất."

Các chị đẹp online và offline

Trên các buổi học online, em may mắn quen được chị Bình và chị Liễu - hai người đã đi làm và theo học để nâng cao kỹ năng. Dù chỉ gặp qua màn hình, nhưng tình bạn virtual này lại vô cùng thật. Hai chị mang lại cho em cảm giác hai chị siêu giỏi, chị Liễu đúng là “mẹ bầu” xịn xò khi vẫn miệt mài đèn sách dù mang trong mình một baby sắp chào đời. Dù gặp 2 chị ở ngoài 1 lần nhưng em siêu thích 2 chị, dễ gần và ấm áp.

Ở lớp offline, em được làm việc cùng chị Phương - người mà em ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng. Chị đã 35 tuổi, đang nuôi hai con nhỏ nhưng vẫn quyết tâm học để chuyển ngành. Mỗi buổi học, chị đều chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và đặt những câu hỏi sâu sắc. "Học không bao giờ là muộn," chị thường là tấm gương của em như vậy mỗi khi em cảm thấy nản lòng. Từ chị, em học được sự kiên trì và tinh thần không ngừng phát triển bản thân.

Và không thể không nhắc đến Trúc Vy - cô bạn thân "đáng iu" mà em quen được trong những ngày đầu. Trúc Vy nhỏ nhắn với nụ cười tươi rói và đôi mắt lúc nào cũng long lanh. Cô ấy là một người có tư duy sáng tạo đáng kinh ngạc, luôn đưa ra những góc nhìn khác biệt trong mỗi bài tập. Với cô ấy, Content phải có cái “chất” riêng, giống như DNA vậy. Dù bận rộn với công việc bên ngoài, Trúc Vy luôn sẵn sàng ở lại sau giờ học để giúp em hoàn thiện các bài tập. Giờ đây, cô ấy không chỉ là bạn học mà còn là người bạn thân thiết nhất của em ở Sài Gòn.

Storytelling Ly Minh Anh 7

Điều đặc biệt ở cuối nò …

Cô Hường - Người giảng viên truyền cảm hứng

"Content không phải là viết cho vui, mà là viết có chiến lược." - Câu nói của cô Hường khi bước vào lớp đã như một cú tát thức tỉnh, đánh thức em khỏi sự tự tin thái quá của mình.

Cô Hường không chỉ là một giảng viên, mà còn là một người mentor đầy tâm huyết. Cô luôn xuất hiện với năng lượng tràn đầy khiến cả lớp phải "tỉnh táo" từ giây phút đầu tiên. Em còn nhớ cách cô nhìn thẳng vào mắt từng học viên khi đặt những câu hỏi "xoáy" vào tận cùng tư duy: "Bạn viết cho ai? Họ cần gì? Tại sao họ phải đọc content của bạn?"

Điều đặc biệt ở cô là cách cô biến những khái niệm phức tạp về content marketing thành những ví dụ đời thường. "Content giống như một cuộc hẹn hò," cô thường nói. "Bạn không thể chỉ nói về bản thân mình. Bạn phải lắng nghe, phải hiểu đối phương muốn gì, và tạo ra kết nối thực sự." Những ví dụ sinh động từ kinh nghiệm thực chiến của cô giúp em hiểu rằng Content Marketing không chỉ là lý thuyết suông mà là nghệ thuật kết nối con người.

Cô Hường cũng là người đã đẩy em ra khỏi vùng an toàn. Em nhớ như in các buổi học  khi cô yêu cầu mỗi học viên viết một bài quảng cáo cho sản phẩm “điên rồ”, “phá cách”,... . Em đã ngồi đực ra vì không biết bắt đầu từ đâu nhưng em nhận ra "Đây mới là content thực sự - khi bạn dám đối diện với những điều thông thường nhưng nói theo cách không thông thường."

Những buổi feedback của cô luôn thẳng thắn nhưng đầy tinh tế. Cô không bao giờ nói "Bài này sai" mà luôn hỏi "Bạn nghĩ mình có thể làm gì để bài này tốt hơn?" Cách cô đặt câu hỏi thay vì đưa ra câu trả lời đã dạy em bài học lớn về tư duy phản biện trong Content Marketing.

Ngoài giờ học, cô Hường còn là người cố vấn nhiệt tình.

Điều em trân trọng nhất ở cô Hường là cách cô khơi dậy niềm đam mê ở mỗi học viên. Cô không chỉ dạy kỹ thuật viết Content, mà còn truyền cảm hứng để mỗi người tìm thấy "giọng điệu" riêng của mình. "Content hay nhất là content mang dấu ấn cá nhân của người viết" cô thường nhắc nhở. Và em đã hiểu rằng, dù viết cho thương hiệu nào, lĩnh vực nào, thì chất riêng của người viết vẫn là điều quý giá nhất.

Đến hôm nay, mỗi khi em viết một bài content, em vẫn nghe bên tai giọng cô Hường: "Hãy nhớ, đằng sau mỗi con số thống kê là một con người thật với nhu cầu thật." Cô đã dạy em không chỉ cách viết content hiệu quả, mà còn dạy em cách "đọc" con người - kỹ năng quý giá nhất mà một Content Marketer cần có.

 

-------------------

Học viên: Lý Minh Anh

Lớp: DMPR002S2

Brand: Bánh healthy SUBA’s Bakery

 

Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM THỜI ĐẠI MỚI - IDC
Đia chỉ: 27F Trần Nhật Duật, P.Tân Định, Quận 1, TPHCM
ĐT: (028) 3910 3811
Website: idc.edu.vn
Hotline tư vấn: (028) 3910 3811 - 090 1221 486 (Zalo)